Sử dụng máy tính không phải lúc nào cũng an toàn, bất kỳ một thao tác nào của chúng ta khi có kết nối mạng đều có thể làm lây nhiễm virus máy tính và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dùng. Bạn cần phải có những hiểu biết nhất định để biết cách phòng tránh và bảo vệ dữ liệu của mình.
1. Virus máy tính là gì?
Virus máy tính là những chương trình hay đoạn mã hóa được thiết kế để tự nhân bản và sao chép chính nó tạo ra những tệp tin bị nhiễm virus trên các thiết bị lưu trữ khác nhau như đĩa từ tính, đĩa từ quang, đĩa quang học,usb,…Một số loại virus như Rootkit, Sâu Internet – Worm, Conficker,…
Các loại virus máy tính thường hướng đến hệ điều hành Windows vì đây là hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và cũng bởi tính thông dụng này nên các tin tặc thường tập trung vào hệ điều hành này hơn là các hệ điều hành khác. Càng ngày các loại virus càng tinh vi hơn và có những biến thể gây khó khăn trong quá trình tìm và tiêu diệt chúng. Một số loại virus còn có khả năng can thiệp vào hệ điều hành và khống chế, vô hiệu hóa phần mềm diệt virus. Trong lịch sử phát triển của công nghệ thông tin, virus máy tính luôn là hiểm họa cho người dùng và đã làm thiệt hại nhiều tiền của.
Hoạt động của virus được diễn tả qua quy trình sau:
File sau khi bị nhiễm virus sau khi người dùng vô tình kích hoạt thì bắt đầu hoạt động và trú luôn trên các file bị nhiễm virus. Sau đó nó sẽ tiếp tục tìm đối tượng khác để lây nhiễm. Nếu bạn không có biện pháp phòng chống kịp thời thì tất cả các file của bạn sẽ bị lây nhiễm virus.
2. Cách thức lây nhiễm virus máy tính
Có thể nói, các virus máy tính ngày càng tinh vi và thông minh hơn và có thể lây nhiễm qua các cách thức sau:
- Virus có thể lây lan qua các thiết bị như usb, thẻ nhớ, ổ đĩa CD…hay các thiết bị di động khác ( đây là trường hợp phổ biến);
- Có thể lây qua qua hoạt động sử dụng email, thư điện tử hay khi bạn tải các file trên hệ thống internet về máy;
- Sao chép và sử dụng những tập tin mà đã bị nhiễm virus từ trước;
- Vì người dùng truy cập vào các trang web đen, đồi trụy;
- Có thể do click vào những link có chứa virus trên internet, các file virus mà bị đính kèm vào hình ảnh;
- Sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc, không có bản quyền;
- Lây nhiễm qua mạng nội bộ;
- Hoặc bị nhiễm virus máy tính do phần mềm cài trên máy đang dính lỗ hổng bảo mật.
3. Phòng tránh lây nhiễm virus máy tính
- Không nên sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc hoặc nếu có sử dụng thì nên kiểm tra và test trước;
- Lưu ý không nên tải hoặc click vào những tập tin không rõ nguồn gốc được gửi vào email của bạn;
- Khi sử dụng internet, mạng xã hội thì bạn không nên click vào những tập tin, đường link lạ, không rõ nguồn gốc;
- Không truy cập vào những trang web không lành mạnh;
- Nên kích hoạt và sử dụng tường lửa Firewall trong Windows;
- Nên sử dụng phần mềm phiên bản mới nhất bởi vì nó là những bản vá lỗi của nhà sản xuất để bảo vệ cho người dùng;
- Thường xuyên sao lưu văn bản, dữ liệu để tránh trường hợp xấu xảy ra;
- Bạn có thể kiểm tra các file xem có bị nhiễm virus không thông qua công cụ online Virustotal, bạn cũng có thể quét đường link nếu như bạn đang nghi ngờ, công cụ này sở hữu 57 phần mềm quét virus máy tính uy tín nên rất chính xác;
- Sử dụng các phần mềm diệt virus: Nếu như có điều kiện thì bạn nên sử dụng các phần mềm diệt virus có bản quyền như Kaspersky, Bitdefender, Norton,… hoặc không có thì bạn có thể sử dụng một trong những phần mềm diệt virus miễn phí nhưng hiệu quả có thể không cao;
- Dựa vào kinh nghiệm sử dụng máy tính: phát hiện ra sự hoạt động bất thường của máy tính, kiểm soát các ứng dụng đang hoạt động, loại bỏ một số tính năng tự động của hệ điều hành, quét virus trực tuyến.
Như vậy, để sử dụng máy tính an toàn và hiệu quả bạn cần phải phòng bị cho mình những kiến thức về virus máy tính và cách phòng tránh giúp bạn tránh được những thiệt hại không cần thiết.
Một số bài viết tham khảo: