Sau một thời gian sử dụng máy tính, sẽ xảy ra tình trạng phân mảnh ổ cứng, làm cho tốc độ truy xuất chậm lại, cả hệ thống ì ạch. Vậy phân mảnh ổ cứng là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến phân mảnh ổ cứng?
Hiểu một cách đơn giản, phân mảnh ổ cứng giống như một căn phòng lộn xộn, các dữ liệu lưu trên đó không được sắp xếp gọn gàng, khiến cho đầu đọc muốn tìm một dữ liệu nào đó sẽ mất nhiều thời gian để tìm kiếm.
Đơn vị lưu trữ nhỏ nhất trên ổ cứng là sector. Trên hệ điều hành của Microsoft thì có thêm đơn vị cluster. Thông thường khi format sẽ mặc định 1 cluster = 8 sector (tương đương 4KB).
Khi dữ liệu được ghi/xóa hoặc thay đổi kích thước, nó sẽ được ghi từ các cluster trống đầu tiên đến cluster trống cuối cùng. Như vậy nghĩa là, dù bạn có xóa 1 file rồi bỏ thêm 1 file vào thì file mới này sẽ ghi ở vùng trống tiếp nối, chứ không được lưu vào vị trí file vừa xóa. Chỉ khi nào vùng trống cuối đã hết thì dữ liệu mới mới được ghi vào những chỗ trống của file bị xóa trước đó.
Lúc này sẽ xảy ra 2 trường hợp:
- Dữ liệu nhỏ hơn kích thước vùng trống: dữ liệu được ghi vào vùng đó bình thường
- Dữ liệu lớn hơn kích thước vùng trống: dữ liệu sẽ được cắt nhỏ ra để chia sang các vùng trống tiếp theo. Đây chính là tình trạng phân mảnh ổ cứng. Nếu một phần lớn ổ cứng đã được sử dụng thì quá trình phân mảnh sẽ diễn ra rất nhanh.
Khi người dùng liên tục cài đặt, gỡ bỏ các phần mềm, copy di chuyển dữ liệu,… thì nguy cơ ổ cứng ổ cứng phân mảnh là rất cao, vì dữ liệu nằm lộn xộn ở khắp nơi trên ổ cứng. Lúc này, kim đọc sẽ phải di chuyển nhiều hơn để truy xuất đầy đủ dữ liệu của file đó, làm cho tốc độ hệ thống chậm lại, thậm chí xuất hiện hiên tượng tạm “treo máy”.
Để máy tính của mình chạy nhanh và mượt mà hơn, các bạn nên thực hiện chống phân mảnh ổ cứng. Tuy nhiên, trong quá trình thao tác cần hết sức lưu ý về nguồn điện. Vì nếu mất điện đột ngột, các file có thể bị lạc lung tung, nguy cơ mất dữ liệu rất cao.